Trong cổ văn Tiên thiên bát quái bao gồm tám quái đối ứng. Cặp đối ứng Càn Khôn là trục thời gian (hành của Thiên Địa, trái Đất quay quanh mặt Trời), ba cặp còn lại là hành của Nhân.
Cặp Ly – Khảm: Quái Ly tượng của Hỏa, ly tán, đổ vỡ (chiến tranh, loạn lạc). Quái Khảm tượng của Thủy, tụ lại, khởi sinh (hòa bình, an lạc). Hai chồng quái đối ứng là Thủy Hỏa Ký Tế (đã xong, kết thúc, giải thoát) với quái Khảm trên quái Ly. Và chồng quái Hỏa Thủy Vị Tế (chưa xong, lập lại, luân hồi) với quái Ly trên quái Khảm.
Cặp Chấn – Tốn: Quái Chấn tượng của sấm sét, cương cứng (Cương). Quái Tốn tượng của gió, mềm mại (Nhu). Hai chồng quái đối ứng là Phong Lôi Ích (lợi ích, thêm lên, phát triển) với quái Tốn trên quái Chấn. Và Lôi Phong Hằng (lâu dài, cố định, duy trì) với quái Chấn trên quái Tốn.
Cặp Cấn – Đoài: Quái Cấn tượng của núi (Cao). Quái Đoài tượng của hồ, đầm (Thấp). Hai chồng quái đối ứng là Trạch Sơn Hàm (hàm súc, chất lượng) với quái Đoài trên quái Cấn. Và Sơn Trạch Tổn (tổn thất, hư hỏng) với quái Cấn trên quái Đoài.
Cho nên, Tiên thiên bát quái là vũ trụ quan của triết học phương Đông, nơi âm dương chuyển hóa qua lại và luân phiên để vận hành các quy luật tất yếu của Tự nhiên.